Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Dịch vụ gọi xe cho dân nhậu đắt khách

Chị Hoa ở quận 3 (TP HCM) cho biết, sau khi bị phạt vì uống chút bia ở tiệc tất niên tại nhà hàng ở quận Phú Nhuận, chị không dùng xe máy khi đi ăn tiệc nữa mà chuyển sang gọi xe công nghệ.

"Thà tốn 100.000 đồng một lượt đi còn hơn mất 2-3 triệu đồng nộp phạt", chị Hoa phân tích.

Khách hàng chọn đi xe ôm công nghệ sau khi nhậu xong. Ảnh: Anh Tú.

Khách trả tiền tài xế trước khi vào một quán nhậu trên phố Cấm Chỉ. Ảnh: Anh Tú.

Vì quy định mới mà hơn tuần nay, anh Đức Huy, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chấp nhận tập thói quen không lái xe đi nhậu.

"Tuần qua tôi đã chi khoảng một triệu đồng tiền di chuyển cho những lần đi tất niên, liên hoan cùng bạn bè, đồng nghiệp", anh Huy ước tính. Anh kể, tối thứ bảy tuần trước có hẹn liên hoan với nhóm bạn thân, anh không khỏi bất ngờ khi tất cả đều đi taxi hoặc xe ôm đến.

"Uống, rượu bia vào thì không thể nói trước điều gì. Tôi nghĩ, mất thêm một chút tiền cũng không ăn thua nếu so với tiền phạt và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông", anh nói.

Nắm bắt được tâm lý chung của nhiều "dân nhậu" hiện nay, giới tài xế taxi, xe ôm công nghệ gần đây cũng chuyển hướng tập trung quanh các khu vực nhiều nhà hàng, quán ăn nhậu để đón khách sau 21h.

Anh Tiến, tài xế chạy Grabbike ở TP HCM cho biết, hơn tuần nay Công ty dịch thuật Đồng Nai thay vì chạy xe từ sáng sớm, anh chọn buổi chiều tối vì nhu cầu đặt xe thời gian này gần đây tăng cao. "Buổi đêm đường rộng dễ di chuyển, nhu cầu tăng nên có đêm tôi chạy được 400.000 - 600.000 đồng, tăng thu nhập 10% so với trước đó", anh Tiến nói. Theo anh tính toán, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực và cảnh sát giao thông kiểm tra chặt, lượng khách đặt xe tăng gấp 2-3 lần.

Tăng cường chạy sáng sớm và chiều tối, anh Hoàng, tài xế Goviet cũng cho biết khách nhậu đặt xe chiếm 30% lượng khách mỗi ngày.

Không chỉ các tài xế dịch vụ gọi xe ở TP HCM, Hà Nội phấn khởi vì thu nhập tăng mà các tài xế taxi truyền thống cũng cho hay lượt khách đặt cuốc tối tăng 20% so với cách đây một tháng.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp chuyên kinh doanh taxi ở TP HCM cho biết, lượng khách đặt hàng tăng so với trước đó một tháng do nhu cầu vào cuối năm tăng cao.

"Từ khi có Nghị định 100, nhiều khách là đối tác doanh nghiệp đã có những liên kết để giúp khách hàng đi lại dễ dàng hơn. Đặc biệt các phiếu voucher đi taxi được doanh nghiệp đặt mua để tặng tăng gấp đôi mọi năm", lãnh đạo doanh nghiệp vận tải ở TP HCM tiết lộ.

Không nêu doanh số trong tuần vừa qua nhưng đại diện Goviet cho biết, mười ngày đầu tháng này ghi nhận lượng đặt xe tăng khá nhiều. Thời gian tới, hãng sẽ tung các chính sách khuyến mại vào khung giờ tối đến đêm, để khuyến khích khách hàng đã uống rượu bia sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ.

Đại diện Grab cũng cho biết, vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là từ khi Nghị định 100 có hiệu lực. Về lâu dài, Grab sẽ hợp tác cùng các đối tác nhà hàng, quán ăn để có chương trình ưu đãi phù hợp dành cho khách đến ăn tại quán và có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Grab.

Tuy nhiên, cả Grab và Goviet đều cho rằng, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 mới có hiệu lực được một thời gian ngắn nên chưa thể đánh giá cụ thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của hãng và cần phân tích, đánh giá toàn diện.

Mặc dù lựa chọn xe ông công nghệ và taxi là giải pháp khá thiết thực sau khi nhậu nhưng anh Đức Huy cho rằng mọi người sử dụng các phương tiện công nghệ như taxi, xe công nghệ sau khi đi nhậu về cần lưu ý tránh các hãng taxi dù, kiểm tra kĩ tư trang trước khi ra khỏi xe.

"Hôm Chủ nhật, sau khi rời một quán bar trên phố Mã Mây, một nhóm bạn của tôi lên một chiếc xe taxi đỗ ngay trước cửa quán và đó là taxi dù", anh Huy kể.

Sau đó, nhóm bạn anh đã phải trả 330.000 đồng cho chuyến taxi từ Mã Mây về Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy. Nếu sử dụng taxi công nghệ hoặc taxi chính hãng, cuốc xe này chỉ 100.000 – 150.000 đồng.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Thi Hà-Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét