Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,4 triệu dân, giờ đây yên tĩnh lạ thường khi một "kẻ thù vô hình" đang rình rập xung quanh. Tại ga đường sắt chính, giới chức giám sát thân nhiệt của mọi hành khách bằng camera đo nhiệt. Chất khử trùng được phun ở mọi ngóc ngách. Chính quyền cũng kêu gọi người dân tránh ra đường.
Bất chấp tình hình nCoV lây lan nhanh chóng, các cửa hàng ở Daegu vẫn cố gắng thu hút khách. Một nhà hàng mì đặt trước cửa tấm biển: "Xin mời vào! Chúng tôi khử trùng cơ sở kỹ càng hai lần một ngày". Trong quán cà phê gần đó, 4 nhân viên đeo khẩu trang hân hoan chào mừng khi một khách bước vào. Nơi này thường tấp nập thanh niên, nhưng giờ đây không một bóng khách.
"Mọi người đều sợ hãi và không muốn mạo hiểm", tài xế taxi Park Seon-gyu cho biết trong lúc nhìn ra con phố vắng vẻ. Lượng xe lưu thông trên đường giảm đáng kể sau khi ca nhiễm nCoV đầu tiên tại thành phố được xác nhận tuần trước. "Tuy nhiên, cuộc đời vẫn trôi. Tôi phải ra đường để kiếm sống".
Các nhân viên một cửa hàng tại khu mua sắm Dongseong-ro, Daegu, Hàn Quốc đứng đợi khách hôm 21/2. Ảnh: Reuters . |
Hàn Quốc không kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân tại những nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Daegu, cũng không cấm du khách từ Trung Quốc. Điều đó hoàn toàn trái ngược với Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, khi hàng triệu người dân phải tuân thủ lệnh phong tỏa của chính quyền.
Cách tiếp cận này phản ánh khác biệt về chính trị và những thách thức đặt ra với Hàn Quốc, nơi người dân thường xuyên biểu tình và cựu tổng thống gần đây nhất cũng bị lật đổ sau cơn thịnh nộ của công chúng. Các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền vấp phải sự phản đối gay gắt từ những chính trị gia địa phương bảo thủ khi ám chỉ khả năng phong tỏa Daegu và khu vực lân cận.
Trong khi đó, số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc không ngừng tăng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay thông báo nước này đã ghi nhận gần 1.300 ca nhiễm, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục, cùng 12 trường hợp tử vong. 80% người nhiễm đến từ hai cụm dịch là chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa tại Daegu và bệnh viện Daenam ở huyện Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang.
Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin cho biết mục tiêu của ông là xét nghiệm tất cả người có triệu chứng bệnh trong tháng tới, mở các trạm giám sát tạm thời trên toàn thành phố, huy động lực lượng nhân viên y tế từ địa phương khác và đảm bảo đủ giường bệnh tại những thị trấn xung quanh.
Tất cả thư viện công cộng, bảo tàng, nhà thờ, trung tâm điều dưỡng và tòa án ở Daegu đều đã đóng cửa. Chính quyền cũng yêu cầu các trường, từ mầm non đến đại học, hoãn học kỳ hai dự kiến bắt đầu từ tháng ba, đồng thời ra khuyến cáo không nên phục vụ đồ ăn tại đám cưới hay đám tang.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip tuyên bố chính quyền "không có ý định phong tỏa khu vực như cách Trung Quốc làm với Vũ Hán". Seomun, khu chợ lớn nhất Daegu, hoạt động trở lại hôm 24/2 sau một ngày khử trùng. Hầu hết quầy hàng vẫn đóng cửa, nhưng một số người đã xếp đồ ra bán.
Những người giao hàng tiếp tục lái xe máy khắp Daegu để đưa đồ ăn tới các hộ gia đình giờ đây chủ yếu dùng bữa tại nhà. Nhà hàng và quán cà phê cũng nhanh chóng chuyển sang dịch vụ giao tận nơi để duy trì kinh doanh. Ngay cả trong khu dân cư phía sau nhà thờ Tân Thiên Địa, trung tâm dịch bệnh, các nhân viên của một công ty dịch vụ internet vẫn đến từng nhà để dán tờ quảng cáo lên cửa.
Cư dân Daegu cũng cố gắng lấy lại nhịp sống bình thường của họ, như Kim Hee-sook, người không rời khỏi nhà suốt 5 ngày do lo sợ chủng virus mà bà "không thể nhìn, ngửi hoặc sờ thấy". Hôm 24/2, người phụ nữ 78 tuổi quyết định mạo hiểm ra ngoài để "nhìn thấy ánh mặt trời".
"Tôi phát ốm vì phải ở trong nhà cả ngày xem TV. Do thiếu vận động, tôi mất cảm Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog giác ngon miệng, bắt đầu xuất hiện chứng khó tiêu và mất ngủ. Nếu tiếp tục ở trong nhà, tôi nghĩ mình sẽ chết vì mất ngủ thay vì virus", bà Kim nói.
Bất chấp nỗ lực vùng vẫy khỏi tình trạng "đóng băng", người dân Daegu dường như vẫn không thể xua tan nỗi lo lắng về dịch Covid-19. Park Hae-il, một sinh viên đại học, cho biết mọi người đang "quét sạch" mì ăn liền trong siêu thị để tích trữ, cũng như xếp hàng dài để mua khẩu trang. Với những người bạn về quê trước khi dịch bùng phát, Park khuyên họ đừng trở lại Daegu lúc này.
Số hành khách trên các toa tàu điện ngầm chỉ còn khoảng một nửa so với bình thường. Mọi người đều đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau, trong lúc hệ thống loa kêu gọi người dân liên lạc với đường dây nóng về nCoV nếu cảm thấy không khỏe.
Khi màn đêm buông xuống, thành phố trở nên tĩnh lặng và tăm tối hơn. Các cửa hàng đóng cửa sớm hơn bình thường. "Virus xâm nhập vào cơ thể người một cách âm thầm, khiến chúng tôi cảm thấy hoang mang", Ryu Ho-sang, một người về hưu, cho biết. Ông đổ lỗi cho Tổng thống Moon Jae-in vì không phong tỏa Daegu từ sớm để ngăn nCoV lây lan.
Tuy nhiên, chưa cần tới biện pháp quyết liệt như vậy, Daegu cũng đã trở thành "con ghẻ" của đất nước. Những bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul từ chối tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú từ Daegu. Các hãng hàng không nội địa và công ty xe buýt cắt giảm chuyến đến thành phố, với lý do nhu cầu giảm.
"Chị họ của tôi ở Seoul nói rằng tôi không cần đến dự đám cưới con trai chị ấy. Dù trình bày một cách rất lịch sự, nhưng tôi hiểu rằng chị ấy không muốn đưa bất cứ virus nào từ Daegu đến Seoul", tài xế Park gượng cười kể lại.
Nhiều cư dân Daegu trút cơn giận lên Tân Thiên Địa, giáo phái của "Bệnh nhân 31", người được cho là đã "rải virus" khắp khu vực. Trong vài ngày qua, chính quyền phải vật lộn tìm kiếm hàng trăm tín đồ mất liên lạc, đồng thời tuyên bố xét nghiệm toàn bộ thành viên giáo phái, khoảng 215.000 người.
"Tôi không quan tâm họ có phải giáo phái hay không. Điều khiến tôi phẫn nộ là nhiều thành viên đã lẩn trốn thay vì hợp tác với chính phủ để ngăn virus lây lan", Park Ji-hyok, sinh viên đại học 25 tuổi, cho hay.
Ngay cả trước khi dịch bệnh xuất hiện, giáo phái Tân Thiên Địa cũng khiến người dân xung quanh cảm thấy phiền toái. Một số nơi đặt biển cảnh báo thành viên giáo phái không được sử dụng chỗ đỗ xe riêng của họ khi tới các buổi tụ họp đông người.
"Họ rất ồn ào khi cùng hát và cầu nguyện", Cho Sook-ja, người sống trong căn hộ phía sau nhà thờ, cho biết. "Từ khi dịch bệnh xuất hiện, tôi còn đánh mất phần lớn cuộc sống riêng tư, khi không thể đi chợ, dùng nhà tắm công cộng hay tới tiệm làm tóc. Sếp cũng yêu cầu tôi không được đến công ty cho đến ngày 8/3".
Các quán cà phê, nhà hàng, thậm chí cả ngân hàng gần nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu đều đóng cửa, trong khi một bưu điện và một cửa hàng đồ cho thú cưng vẫn mở. Trên bức tường phía trước tòa nhà 10 tầng, nơi tọa lạc nhà thờ, dòng chữ trên tấm biểu ngữ lớn gọi Tân Thiên Địa là "một giáo hội tốt đẹp, nơi tiếp tục lan tỏa tình yêu và chân lý".
Ánh Ngọc (Theo NY Times )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét