Ông Park Hang-seo khi ấy làm trợ lý HLV cho chiến lược gia người Hà Lan Guus Hiddink. Sau thành tích lịch sử này, ông cùng các thành viên trong đội tuyển Hàn Quốc được ví như những người hùng.
HLV Guus Hiddink thậm chí còn được đặt tên cho một con đường ở Hàn Quốc. Người dân xứ sở kim chi thì dành tình cảm to lớn cho đội tuyển. Trong cơn sốt bóng đá ấy, các thành viên của đội tuyển được nhớ mặt, điểm tên, thậm chí có một khoảng thời gian ngắn, họ đi ăn ở các nhà hàng mà không phải móc hầu bao trả tiền.
HLV Park Hang-seo và các thành viên đội tuyển Hàn Quốc nhận được nhiều tình yêu từ người hâm mộ quê nhà sau khi tạo nên thành tích lịch sử ở World Cup 2002. Ảnh: Q Sports - KFA.
Cựu tuyển thủ Hàn Quốc Cha Du-ri chia sẻ: "Sau khi World Cup 2002 kết thúc, chúng tôi nhận ra tất cả những gì diễn ra tiếp theo thật điên rồ. Chúng tôi được chú ý rất nhiều. Mọi người cũng nhìn các thành viên trong đội với con mắt khác. Tôi không hề có ký ức nào về việc phải trả tiền các bữa ăn trong nhà hàng".
Ngôi sao Park Ji-sung nhớ lại: "Cảm giác ai cũng biết đến mình khi ra khỏi nhà hay bước vào nhà hàng. Không ít lần tôi được tiếp đãi như người hùng của đất nước".
Hai tháng sau World Cup, HLV Park Hang-seo đảm nhiệm vai trò thuyền trưởng U23 Hàn Quốc dự ASIAD cũng ở quê nhà. Trước không khí hân hoan của người hâm mộ cả nước, việc đội tuyển U23 nước này chỉ giành được HCĐ được xem là thất bại. HLV Park Hang-seo dĩ nhiên chịu nhiều điều tiếng.
Thế nhưng, một câu chuyện mà ít thế hệ sau này biết đến là việc HLV Park Hang-seo bị quỵt tiền khi dẫn dắt U23 Hàn Quốc. Báo chí xứ sở kim chi "nói giảm nói tránh" về vấn đề này là "HLV Park Hang-seo đang làm không công".
HLV Park Hang-seo từng có mối quan hệ không tốt với Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc. Ảnh: Daily.
Thời điểm đó, Hàn Quốc dồn toàn lực cho đội tuyển quốc gia dự World Cup 2002. HLV Park Hang-seo vì thế chỉ có 2 tháng làm việc với U23 Hàn Quốc, làm lại mọi thứ từ đầu. Khi kết thúc Đại hội thể thao châu Á, ông vẫn chưa được nhận bất cứ đồng lương nào.
Theo điều tra của báo chí Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo và Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) có sự bất đồng về mức tiền lương hàng năm. Khoảng cách giữa số tiền HLV Park Hang-seo muốn và KFA dự định trả chênh lệch nhiều dẫn đến cả hai chưa thể đi đến ký kết hợp đồng chính thức.
Ông Park vẫn quyết định vừa làm việc ở U23 Hàn Quốc, vừa đàm phán với mục tiêu xa là còn hướng đến Olympic 2004. Thế nhưng, ngay sau ASIAD 2002, HLV Park Hang-seo đã bị sa thải. Chuyện tiền lương phải mất nhiều tháng sau mới được giải quyết ổn thoả.
Khó khăn chưa dừng lại với HLV sinh năm 1957. Sau khi rời U23 Hàn Quốc, ông lâm vào cảnh thất nghiệp trong 3 năm. Tháng 8/2005, HLV Park Hang-seo mới ký hợp đồng dẫn dắt Gyeongnam FC.
HLV Park Hang-seo từng thú nhận mình là người nóng tính, khó kiểm soát thái độ. Ảnh: Hiếu Lương.
Khoảng thời gian dẫn dắt các CLB ở K.League cũng khiến ông gặp nhiều biến cố, trong đó, tính cách nóng nảy nhiều lần làm hại HLV Park.
Ông từng chia sẻ: "Ngay sau World Cup 2002, tôi chỉ giúp đội Hàn Quốc giành hạng 4 ASIAD cùng năm. Từ đỉnh cao danh vọng, tôi rơi xuống trạng thái tồi tệ nhất. Sau đó, tôi chia sẻ với báo chí Hàn Quốc rằng mọi danh vọng và sự mến mộ rồi cũng sẽ tan thành mây khói mà thôi. Tôi luôn tâm niệm không bao giờ suy nghĩ quá nhiều về những vinh quang trong quá khứ.
Sau này, tôi làm việc ở các CLB Hàn Quốc. Quãng thời gian này thật sự khó khăn với tôi. Khi làm HLV do tính cách của tôi không bao giờ dễ dàng chấp nhận thất bại và rất nóng nữa. Tính cách quá thẳng thắn, không phục tùng nên một số án phạt được đưa ra nhắm vào tôi. Đó là một thời kỳ vất vả, khó khăn ở Hàn Quốc và tôi không muốn nhớ đến nữa".
Sự nghiệp cầm quân không có nhiều biên dịch đặc sắc tại quê nhà khiến HLV Park Hang-seo quyết định nghỉ ngơi sau mùa giải 2015. Đến năm 2017, ông nhận lời dẫn dắt đội bóng ở địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi sang Việt Nam làm việc vào cuối năm. Phần còn lại đã trở thành lịch sử.
HLV Park Hang-seo nhận thẻ đỏ sau màn cãi tay đôi với trọng tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét